Patch panel là bảng cắm, thông qua bảng này cáp sẽ được kết nối kết nối với các máy trong mạng LAN cho gọn gàng hơn so với việc cắm trực tiếp, đồng thời có tác dụng giúp dễ dàng bảo quản và sửa chữa khi có sự cố. Việc lắp đặt một patch panel tuy không mấy phức tạp nhưng cần phải có những kiến thức nhất định để cho việc thực hiện được suôn sẻ ngay từ đầu.
Kỹ thuật, kinh nghiệm, hướng dẫn lắp patch panel cho tủ rack
Hệ thống mạng máy tính chuyên nghiệp của một doanh nghiệp lớn thường có phòng server riêng. Ở phòng server này có chứa các tủ rack, trong đó có chứa các máy server, KVM switch (có tác dụng để điều khiển nhiều máy server với một monitor), firewall, switch, router,…và một thiết bị không thể thiếu là patch panel. Như chúng ta biết, thông thường thì khi nối mạng các máy tính với nhau giữa các tầng của tòa nhà, ta thường hay kéo cáp mạng trực tiếp (sử dụng đầu nối RJ45) nối từ switch của phòng server tới các switch của mỗi tầng (hay còn gọi là switch tầng), rồi từ switch tầng kéo cáp đến outlet của từng phòng để người dùng máy tính sử dụng. Nhưng thường chỉ sau một thời gian, các đầu nối RJ45 cắm trực tiếp vào switch trong phòng server thường sẽ bị oxy hóa làm cho việc chuyển tải tín hiệu bị chập chờn, gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động chung của hệ thống mạng. Để giúp dễ dàng hơn trong việc quản lý, kiểm tra tín hiệu mạng, cũng như giúp hệ thống dây được gọn gàng, thẩm mỹ hơn, người ta phải dùng đến các patch panel để giải quyết các vấn đề này.
1.Chuẩn bị
Hiện nay, các patch panel được sử dụng phổ biến nhất trong các tủ rack là loại 24 port và 48 port. Tùy vào mục đích sử dụng quý vị nên tham khảo trước các loại patch panel để có thể lựa chọn đúng loại để phù hợp và tiết kiệm tối đa về chi phí.
Để lắp đặt patch panel, ta cần chuẩn bị một các dụng cụ như: một cờ-lê để siết chặt đai ốc lục giác vào bu-lông cố định patch panel vào 2 thanh cố định ở hai bên phía trước của tủ rack, một “punch down tool” để cố định cáp mạng vào các rãnh tại mặt sau của patch panel.
Trước khi đi vào kỹ thuật lắp đặt thanh quản lý cáp, cũng xin được nói thêm, hệ thống mạng có patch panel thường được đấu nối với cơ chế như sau: từ switch trên các tầng, cáp mạng sẽ được kéo đến mặt sau của patch panel, rồi lại từ mặt trước của patch panel đến switch trong phòng server. Sau khi đã xong tất các bước chuẩn bị, có thể thực hiện các bước lắp đặt patch panel.
2.Các bước tiến hành
Bước 1: Cố định cáp mạng từ switch tầng vào mặt sau của patch panel
Với các patch panel, mặt trước là các jack để cắm các đầu RJ45 (được cắm từ patch panel tới switch trong phòng server), phía sau (tương ứng với các jack cắm RJ45 của mặt phía trước) là các rãnh có tác dụng cố định cáp mạng kéo từ switch tầng đến. Thao tác cố định cáp mạng vào các rãnh này cũng giống như cách cố định cáp mạng vào các modular jack mà ta vẫn thường làm. Thông thường mặt sau của patch panel có nhãn ghi thứ tự màu của chuẩn 586A hoặc 586B và số thứ tự port, do đó nếu chúng ta sử dụng chuẩn 586B để bấm cáp mạng, thì khi nhấn cáp mạng vào rãnh cũng phải sử dụng chuẩn 586B. Chú ý trong việc nhấn cáp mạng vào rãnh, để lưỡi dao của dụng cụ punch down tool hướng ra bên ngoài để cắt các dây dư thừa và sau đó có thể dùng dây buộc các dây cáp mạng lại cho gọn gàng.
Bước 2: Bắt patch panel vào 2 thanh phía trước của tủ rack
Khi mua patch panel về, thông thường ở 4 góc của patch panel sẽ có 4 lỗ để bắt bu-lông cố định patch panel vào 2 thanh phía trước của tủ mạng rack. Ở bước này, ta có thể dùng tay để siết đai ốc vào bu-lông, hoặc sử dụng thêm cờ lê để siết thật chặt đai ốc giúp cho hệ thống trở nên chắc chắn và đảm bảo an toàn về lâu dài.
Bước 3: Cắm cáp mạng từ mặt trước của patch panel tới các port của switch
Tại bước này, ta có thể tự bấm cáp mạng để cắm từ switch đến patch panel, nhưng như đã nói ở, để tín hiệu luôn hoạt động ổn định, nên mua cáp mạng cắm từ patch panel đến switch, vì cáp mạng loại này được đúc sẵn 2 đầu và còn được tráng sẵn thêm một lớp bảo vệ chống oxy hóa.